GIÁO HỘI HOÀN VŨ TRONG TƯƠNG LAI

Trước đây 50 năm, các nước kĩ nghệ còn chiếm một phần ba nhân loại. Chỉ cần hai thế hệ nữa thì 90 phần trăm dân số thế giới thuộc về các nước đang phát triển. Tới giữa thế kỷ21, riêng Trung-quốc hay Ấn-độ mỗi nước cũng sẽ có số dân nhiều hơn cả thế giới phương tây gộp lại.

Và Giáo Hội hoàn vũ trong tương lai cũng sẽ có những biến chuyển dân số lớn. Hiện nay, các cộng đoàn Giáo Hội trong thế giới thứ ba trước đây, không chỉ xét riêng về số lượng, đã vượt số giáo xứ của các nước trung Âu. Phi châu, chẳng hạn, đầu thế kỷ20 mới có 1,7 triệu tín hữu công giáo, nay bước vào thế kỷ21 đã lên tới 110 triệu. Lúc này đã có thể mường tượng được hình thái Giáo Hội, cả phụng vụ và mục vụ, sẽ thay đổi ra sao chưa?

Tôi nghĩ lúc này mình không nên tính toán ngoại suy, bởi vì lịch sử luôn có quá nhiều biến chuyển bất ngờ. Mọi chẩn đoán tương lai sẽ bị yếu tố bất ngờ lật nhào. Chẳng hạn, đã chẳng ai dám tiên đoán sự sụp đổ của các chế độ cộng sản, biến cố này đã tạo nên một tình trạng lịch sử hoàn toàn mới. Đúng, hình ảnh xã hội thế giới sẽ thay đổi rất lớn. Thế giới phương tây, nơi lượng người đang giảm và hiện đang là vùng có sức mạnh trấn át, rồi ra sẽ ra như thế nào? Việc di dân – dĩ nhiên hết người thì phải đưa thêm vào chứ - sẽ biến bộ mặt Âu châu ra sao? Lực ảnh hưởng sẽ nghiêng về đâu, nền văn minh nào, hình thái xã hội nào sẽ thắng thế ? Tất cả những cái đó lúc này chưa thể đoán được.

Vì thế, phải vô cùng thận trọng với những phát biểu về tương lai. Tuy nhiên, chắc chắn là tiềm năng tín hữu sẽ khác đi. Con người phương tây với thái độ hiện thời của họ về thế giới sẽ không thể tiếp tục giữ được sức mạnh trấn át như đã có. Những tâm tính mới, những đặc sủng mới sẽ phải xuất hiện và ấn dấu lên bộ mặt Giáo Hội.

Do đó, theo tôi, quan trọng nhất là ta phải cơ bản hoá/ nền tảng hoá (Verwesentlichung), chữ Guardini dùng. Đây không hẳn là việc tưởng tượng tiền chế ra một cái gì đó, mà rồi trong thực tế lại xẩy ra khác, và cái đó ta không thể biến chế được trong ống nghiệm. Nhưng đúng hơn, là tìm ra cái nền tảng và sống với nó, để rồi nó có thể sẽ hoá thân ra trong cái mới và được trình bày một cách mới mẻ. Trong ý nghĩa đó, đơn giản hoá cũng là một công tác quan trọng, nghĩa là mình phải tìm ra cái gì thực sự còn lại và cơ bản toả ra từ giáo huấn, từ đức tin của ta. Phải mang ra ánh sáng những hằng số nền tảng lớn, như vấn đề về Chúa, về sự cứu độ, về hi vọng, về sự sống, về cái gì là nền tảng trong luân lí, rồi hệ thống hoá chúng lại một cách mới.

Phải sửa đổi lại phụng vụ cho hợp với thế giới kĩ thuật và với những nền văn minh nào đó ư? Tôi không tin câu hỏi này cần thiết. Tất cả những thứ đó là sản phẩm tự chế của con người. Phụng vụ có được cái cao cả, là vì nó bắt nguồn từ khởi nguyên và lớn lên trong sống động. Nó phải được chúng ta bao bọc và gìn giữ một cách kính cẩn. Có như thế nó mới cao cả và mới nói được cho con người thuộc mọi nền văn minh khác nhau. Lại nữa, kho tàng nghi lễ đa dạng của phụng vụ đã có từ lâu. Nó sẽ cho ta biết dạng nào sẽ mang sức sống mạnh nhất trong các nền văn minh khác nhau.

Hãy để mắt quan sát nước Hoa-kì. Rõ ràng đó là quốc gia dẫn đầu thế giới. Chính trị, khoa học, kinh tế và nhất là lối sống của chúng ta ngày nay tất thảy đều bị ảnh hưởng mạnh do Hoa-kì. Công giáo Mĩ đã và đang có những đóng góp nào cho công giáo thế giới?

Ngày nay, công giáo hoa-kì đã trở thành một trong những lực quyết định của công giáo hoàn vũ. Giáo Hội ở Mĩ rất năng động. Dĩ nhiên nó cũng có những căng thẳng. Một mặt, có những nhóm nặng phê bình chỉ trích, họ muốn có một Ki-tô giáo duy lí và dân chủ hơn. Nhưng đồng thời cũng có những tâm điểm tôn giáo mới đang trỗi dậy, những cộng đoàn dòng tu mới hình thành và đòi phải có một nếp sống tu trì triệt để. Họ sống cuộc sống đó trong niềm tin vui, họ muốn đọc lại các giáo phụ và thánh Tô-ma ở Aquino, và muốn được huấn luyện theo tinh thần của các ngài. Đó là một Giáo Hội đang sống lại cái căn bản tôn giáo rất mạnh: dám hi sinh đời sống vì và cho đức tin, can đảm phục vụ vì đức tin. Đó là một Giáo Hội cũng mang trách nhiệm lớn đối với xã hội qua hệ thống giáo dục và nhà thương trải rộng của mình.

Trong Bộ chúng tôi, chẳng hạn, không phải chính chúng tôi quyết định về những vấn nạn liên quan tới luân lí i học, mà mỗi ngày do tiến bộ của i khoa càng tạo ra nhiều thêm. Người Mĩ có một mạng lưới bệnh viện công giáo rất rộng. Nhờ thế ngày nay họ có một đội ngũ chuyên viên có hiểu biết sâu và kinh nghiệm sinh động trong lãnh vực i khoa tân tiến. Chúng tôi trao những câu hỏi đó cho họ thảo luận, phác hoạ nên những đường hướng chỉ dẫn (Guidelines) và trao đổi với họ về những phác hoạ đó. Những giải đáp thoạt tiên mang tính địa phương, nghĩa là cho Hoa-kì mà thôi, nhưng vẫn để ngỏ để tiếp tục bổ túc kinh nghiệm các nơi khác. Nhưng dù vậy, các giải đáp trên cũng được kể như là những lời giải mẫu về mặt luân lí i học có thể áp dụng hay làm chuẩn cho các nơi khác.

Vì thế tôi tin rằng, với vốn kinh nghiệm to lớn về mặt đời cũng như kinh nghiệm đức tin mà họ đã trải qua, Giáo Hội hoa-kì sẽ ảnh hưởng quan trọng lên thế giới ki-tô hữu ở Âu, Phi và Á châu. Trước đây người ta nói, cái gì xuất hiện ở Pháp, thì sẽ xuất hiện trên toàn thế giới. Nhưng nay thì khác. Hoa-kì, về mặt đời, cung cấp cho thế giới thời trang và khẩu hiệu. Còn về mặt đạo, Giáo Hội của họ tạo ra những mô hình kiểu mẫu. Lạ lùng là các mô mẫu đó đã đẩy lui đi cái Ki-tô giáo xem ra tân tiến và đồng thời quá lí trí và quá ít thấm nhuần đức tin, để đưa vào đó những xung lực đức tin thật sự và cả những hình thái sống đức tin điển hình.

Nghĩa là cũng có cả “sống lối Mĩ” (american way of life) cho đời sống Ki-tô giáo, công giáo?

Lối sống đó thật sự thấm nhuần chất công giáo, chứ không chỉ chất “mĩ” mà thôi. Tôi tin rằng người dân trên nước Mĩ nhận vào mình toàn thể cái công giáo tính và muốn làm mới thế giới tân tiến.

Nước nào hiện nay có nền thần học được coi là hướng đạo hay có Giáo Hội mẫu mực? Con ngựa kéo đầu đàn nằm ở đâu?

Chẳng có chú ngựa cổ điển nào cả. Đúng hơn có một thuyết đa tâm.

Trước hết, châu Mĩ la-tinh đã thách đố hoàn vũ Ki-tô giáo với thần học giải phóng. Nhưng nay nó đang đi dần vào quá khứ. Chỉ còn lại lời kêu gọi trách nhiệm đức tin về mặt chính trị và xã hội. Lúc này, châu Mĩ la-tinh đang đam mê vấn đề hội nhập với những nền văn hoá thổ dân. Hoa-kì đang ở tuyến đầu trong việc vật lộn với những thách đố của thời đại mới. Cả trong khoa diễn giải, họ cũng đã có những thành tựu mới, lí luận một chiều của phương pháp phê bình lịch sử đã được họ thay thế bằng cái gọi là phương pháp diễn giải quy điển, nghĩa là bằng lối đọc hiểu Tin Mừng trong toàn thể của nó. Như vậy, nền thần học hoa-kì đã có một đóng góp quan trọng. Nhưng Âu châu, cả Đức, luôn vẫn là nơi có tiềm năng lớn về thần học.

Nhờ hệ thống phân khoa thần học trong các đại học của chúng ta, nhờ tiền của và phương tiện ta sẵn có, việc nghiên cứu vẫn đang rất mạnh và sinh hoa kết quả. Dĩ nhiên có một thứ chủ nghĩa duy lí mới, mà người ta coi như là yếu tố hàn lâm bắt buộc, hiện đang là nguy cơ cho công tác thần học. Cái lối thần học duy lí này sẽ không tiến xa được, vì nó chối từ ngay những nền tảng của nó. Tôi tin thế hệ thần học mới sẽ lại nhìn ra được rõ hơn về nguồn cội của thần học, nó chủ yếu phải bắt nguồn từ đức tin, chứ không thể là nơi tính cách hàn lâm thuần tuý. Dù sao, Âu châu vẫn đang là điểm nóng của thần học.

Á châu có Ấn-độ, là nơi đang vật lộn với thế giới các tôn giáo và đang nỗ lực xác định chỗ đứng của đức tin trong thế giới ngày nay một cách điển hình. Phi châu ngày nay đang trở về với các giá trị truyền thống. Ta hãy nghĩ tới trọng lượng của Phi châu đã đạt được trong Hội đồng tôn giáo thế giới. Nơi đây, trong khi Tin lành phương tây đang phải lặn ngụp trong các vấn đề sắc tộc, thì thế giới Ki-tô giáo châu Phi ung dung đặt nổi lên lại cảm thức uyên nguyên về những giá trị truyền thống của họ. Dĩ nhiên họ cũng đề cập rất cụ thể tới những câu hỏi liên quan tới việc xây dựng xã hội – như làm sao Ki-tô giáo có thể trở thành một sức mạnh kiến tạo hoà bình, một sức mạnh thúc đẩy hoà giải – có lẽ họ ít lí thuyết hơn, nhưng với những đau khổ và những kinh nghiệm đau thương đã trải qua, Giáo Hội trên lục địa này hẳn có gì để nói cho con người.